Hành trình Khám phá 9 Cửa sông | Tập 1 : Trần Đề – Ba Thắc – Định An
Là một người con miền Tây sông nước, lớn lên với nỗi niềm khao khát được khám phá xứ sở quê hương. Vào một ngày đầu xuân mới, từ trung tâm tỉnh Đồng Tháp tôi bắt đầu chuyến hành trình Khám phá 9 Cửa sông Đồng Bằng Sông Cửu Long, tượng trưng cho chín con rồng đổ ra biển lớn. Chuyến hành trình này mất khoảng 3 ngày với quãng đường dài gần 500km cả đi lẫn về từ Đồng Tháp đến Sóc Trăng, qua Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang rồi trở về điểm xuất phát. Một mình một xe rong ruổi trên những con đường ven biển bồi đắp phù sa, băng qua những cánh đồng lúa, hàng dừa, vườn cây ăn trái trĩu quả. Mỗi mảnh đất, mỗi cửa sông được khám phá cho tôi hiểu thêm nhiều điều mới mẻ có giá trị văn hóa và lịch sử vô cùng sâu sắc.
Dòng sông Cửu Long, nghĩa là sông Chín Rồng, là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mekong chảy vào lãnh thổ Việt Nam bắt nguồn từ nước bạn Campuchia, chia thành 2 nhánh lớn là sông Tiền và sông Hậu, đổ ra biển Đông theo 9 cửa sông tại các cửa: Cửa Trần Đề, Cửa Ba Thắc, Cửa Định An, Cửa Cung Hầu, Cửa Cổ Chiên, Cửa Hàm Luông, Cửa Ba Lai, Cửa Đại và Cửa Tiểu theo hướng từ phía nam lên phía bắc. Và đây cũng chính là cung đường khám phá của tôi trong những ngày này.
CỬA TRẦN ĐỀ
Trần Đề là một huyện ven biển thuộc tỉnh Sóc Trăng có trung tâm là thị trấn Trần Đề, một đô thị sầm uất, tàu bè tấp nập neo đậu trên các nhánh sông nhỏ chờ ra khơi mang về đầy ắp tôm cá. Từ khi được đưa vào khai thác tuyến tàu du lịch Sóc Trăng – Côn Đảo và Sóc Trăng – Phú Quốc thì thị trấn này càng phát triển hơn nữa.
Cửa Trần Đề vào một buổi bình minh, ánh mặt trời đang chuẩn bị ló dạng sau những vầng mây
Cửa Trần Đề là cửa cuối cùng trong 9 Cửa sông đổ ra biển Đông, nhưng lại là cửa sông đầu tiên mà tôi muốn khám phá, có thể nhìn thấy từ chuyến phà Kinh Ba từ thị trấn Trần Đề qua bến Nông Trường trên Cù Lao Dung.
CỬA BA THẮC
Qua bến Nông Trường, tôi rẽ trái vào một con đường đầy đất đang tu sửa để ra sông Cồn Tròn, nơi xưa kia là Cửa Ba Thắc (hay còn gọi là Bassac) hiện giờ đã bị phù sa bồi đắp thành những cù lao, mà người dân miền Tây gọi là cồn. Hai bên là hàng dừa nước mọc san sát, chỉ có vài ao nuôi tôm, tuyệt đối không thấy nhà dân nào ở đây để hỏi đường. Thất vọng, tôi nhìn ngắm hồi lâu mảnh đất nhỏ và quay lại bến phà cũ để tiếp tục lên đường tìm kiếm những cửa sông khác.
Cửa Ba Thắc hiện nay chỉ còn là một bãi bồi với hàng dừa nước mọc san sát
Thật ra, muốn khám phá được cửa sông Ba Thắc thì cũng có cách, nhưng phải thuê một chiếc xuồng nhỏ để chèo qua đoạn rạch Vàm Hồ len lỏi giữa hàng dừa nước ra sông Cồn Tròn mới thấy được cửa sông. Mặc dù vậy, sông Cồn Tròn lại đổ ra sông Hậu chứ không phải ra biển lớn như ngày xưa nữa.
CỬA ĐỊNH AN
Trên mảnh đất Cù lao Dung, thuộc huyện Cù Lao Dung được thành lập từ năm 2002, vẫn còn là địa phận tỉnh Sóc Trăng, tôi đến xã An Thạnh Nam rồi theo đường đê ven biển để ra xã An Thạnh 3 từ đó tới bến phà An Thạnh 3 – Long Vĩnh.
Cửa Định An nằm trên dòng sông Hậu, địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh
Cửa Định An là một cửa sông chuyên vận chuyển tàu có tải trọng lớn ra vào sông Hậu và được đầu tư nạo vét dẫn luồng cho tàu bè tận dụng độ sâu tự nhiên để hành thủy. Ngồi đợi phà đã lâu, tôi còn phải mất hơn 30 phút trên phà mới qua được bến Định An, thuộc tỉnh Trà Vinh và ngắm thật kỹ Cửa sông Định An giữa buổi trưa đầy nắng.
(còn tiếp)
» Xem thêm bài viết trên Sài Gòn Tiếp Thị Online Hành trình khám phá 9 cửa sông ĐBSCL: Trần Đề – Ba Thắc – Định An (Kỳ 1)